• |
  • |
Xem bản đồ

Hội Thảo Quốc Gia “Phát Triển Kinh Tế - Xã Hội Vùng Tây Nguyên Lần 2 Năm 2018”: Khẳng Định Tầm Quan Trọng Của Ngành Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Trong Xu Thế Hiện Nay

Sáng 16/6 tại Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum, hội thảo quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” lần 2 năm 2018 với chủ đề “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển bền vững trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên” đã chính thức diễn ra trong không khí sôi nổi với nhiều bài báo cáo chất lượng, có tính cấp thiết cùng với những thảo luận sôi nổi, đa chiều đến từ các đại biểu, chuyên gia tham dự chương trình.

Là đơn vị chủ trì hội thảo, UD-CK lần nữa khẳng định vị trí chủ chốt cũng như tầm ảnh hưởng của nhà trường trong sự đóng góp vào tình hình phát triển chung của nền kinh tế - xã hội khu vực Miền Trung – Tây Nguyên. Sự quy mô của hội thảo lần thứ 2 với sự tham gia của Khoa kinh tế - ĐH Kinh tế Đà Nẵng, Khoa Kinh tế và Kế toán - ĐH Quy Nhơn, Khoa Hóa – ĐH Bách Khoa Đà Nẵng và ĐH Nông Lâm Huế đã đánh dấu sự thành công mới của UD-CK trong công tác nghiên cứu và tổ chức các hội thảo khoa học quốc gia.

 Ông Lại Xuân Lâm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tặng hoa lưu niệm cho đại diện các đơn vị đồng tổ chức hội thảo

Tham gia hội thảo, về phía lãnh đạo tỉnh Kon Tum có ông Lại Xuân Lâm, PCT UBND tỉnh; ông Lê Như Nhất, GĐ Sở Công Thương; ông Đoàn Trọng Đức, PGĐ Sở KHCN, ông Nguyễn Đình Bắc, PGĐ Sở KH&ĐT, ông Nguyễn Thành Trung, PGĐ Sở Nội vụ.

Đại diện các đơn vị tổ chức có GS. TS. Lê Thế Giới, Nguyên GĐ ĐH Đà Nẵng; PGS. TS Đặng Văn Mỹ, GĐ Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum; PGS. TS Đào Hữu Hòa, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế (ĐHĐN);  TS Ninh Thị Thu Thủy; Trưởng khoa Kinh tế, ĐH Kinh tế (ĐHĐN); PGS. TS Trương Thị Minh Hạnh, Phó trưởng khoa Hóa, ĐH Bách Khoa (ĐHĐN); TS Phạm Hữu Tỵ, Trưởng phòng KHCN ĐH Nông Lâm Huế; PGS.TS Trần Thị Cẩm Thanh, Trưởng khoa Kinh tế và Kế toán ĐH Quy Nhơn.

Cùng với đó là sự quy tụ hơn 100 đại biểu là các đại diện lãnh đạo đến từ các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum và các sở ban ngành thuộc các tỉnh Tây Nguyên; các nhà khoa học thuộc hơn 20 trường đại học và các viện nghiên cứu trong cả nước cùng đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, các tổ chức, câu lạc bộ khởi nghiệp, doanh nhân đang hoạt động tại địa bàn Tây Nguyên.

Đông đảo các đại biểu đến từ các sở, ban, ngành thuộc các tỉnh Tây Nguyên, các nhà khoa học từ các trường đại học và các viện nghiên cứu trong cả nước, đại diện các doanh nghiệp, các tổ chức, câu lạc bộ khởi nghiệp, doanh nhân... về tham dự hội thảo

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Đặng Văn Mỹ nhấn mạnh rằng, lĩnh vực phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên là vấn đề lớn, hàm chứa nhiều lĩnh vực từ kinh tế, khoa học, công nghệ, quản lý, xã hội, dân số, con người, chủ trương và chính sách trong phát triển. Vì thế, BTC hy vọng qua hội thảo lần này, thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên cả nước về để báo cáo, tham luận sẽ có thêm nhiều giải pháp, công trình nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn nhằm mang lại hiệu quả thiết thực cho nền nông nghiệp công nghệ cao và cho sự phát triển kiện toàn hơn nền kinh tế- xã hội vùng Tây Nguyên.

PGS. TS Đặng Văn Mỹ - Giám đốc Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum, phát biểu khai mạc hội thảo

Ông Lại Xuân Lâm, đại diện UBND tỉnh Kon Tum cũng chia sẻ rằng việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Nguyên chưa đồng đều, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, chưa thật sự được đầu tư để phát triển bền vững, sự liên kết giữa các địa phương còn lỏng lẻo, chất lượng nguồn nhân lực thấp, lực lưỡng doanh nghiệp vẫn đang mỏng và yếu. Vì thế, việc UD-CK phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo chính là tạo ra diễn đàn để các cấp chính quyền, các nhà quản lý, nghiên cứu đánh giá lại thực trạng quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao của vùng, nhận diện một cách có cơ sở khoa học và thực tiễn những khó khăn, thuận lợi trong việc phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên. Để từ đó, nông nghiệp công nghệ cao sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của vùng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường, tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho đồng bào các dân tộc, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho các địa phương trên địa bàn.

Ông Lại Xuân Lâm - Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum phát biểu tại hội thảo

Bám sát vào chủ đề chính do BTC đưa ra, chương trình hội thảo được chia làm 2 phiên. Phiên thứ nhất với nội dung thảo luận chính: “Những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Tây Nguyên”.

Trong phiên làm việc đầu tiên, nhiều chủ đề về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên được các báo cáo viên nhắc đến như Phát triển nông nghiệp công nghệ cao; Thu hút đầu tư vào Tây Nguyên; Đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên, Các mô hình kinh tế ứng dụng cho Tây Nguyên…Đây là các đề tài, nghiên cứu do các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên đến từ trường ĐH Kinh tế, CĐ Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên, Đại học Quy Nhơn, Phân hiệu ĐH Nội vụ tại Quảng Nam, Đại học Công nghiệp Hà Nội, CĐ CNTT Hữu nghị Việt – Hàn, Đại học Quảng Bình, Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương, Đại học Kinh tế Đà Nẵng… thực hiện và trực tiếp báo cáo.

Tại phiên làm việc thứ hai nội dung thảo luận chính là “Những vấn đề liên quan đến ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên” gồm các báo cáo tham luận của các Sở, Ban, Ngành trực thuộc tỉnh Kon Tum và các nhà khoa học, giảng viên đến từ ĐH Tây Nguyên, Đại học Hùng Vương, Đại học Tiền Giang, Đại học Trà Vinh tham gia báo cáo và thảo luận.

Rất nhiều bài báo cáo, công trình nghiên cứu được các báo cáo viên đến từ nhiều trường ĐH trong các nước đưa ra trong hội thảo và thu hút đông đảo ý kiến tham luận, chia sẻ của các đại biểu, khách mời

Với mục đích chung nhằm góp phần thúc đẩy nền kinh tế -xã hội vùng Tây Nguyên phát triển ngày càng vững mạnh, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế cả nước, các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu và tìm tòi để thực hiện nhiều công trình có ý nghĩa, thúc đẩy mạnh hơn nữa sự tăng trưởng và bền vững của kinh tế vùng Tây Nguyên như cách để thu hút vốn đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Kon Tum; Định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Tây Nguyên trong tương lai; Huy động nguồn lực nhằm phát triển kinh tế cho đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên; Đề xuất mô hình sinh kế cho các hộ nghèo tỉnh Đắk Nông…

Ngoài ra, các nhà khoa học còn trình bày nhiều nghiên cứu mang tính thực tế và ứng dụng cao, tác động trực tiếp đến kinh tế Tây Nguyên, nâng cao năng suất lao động, cải thiện cuộc sống người dân, đặc biệt là đưa được các thương hiệu của nông nghiệp Tây Nguyên lan rộng ra cả nước và nước ngoài như một số nghiên cứu về vi sinh vật đối kháng và ứng dụng chế phẩm vi sinh vật phòng trừ nấm bệnh hại cây hồ tiêu tại Tây Nguyên; Nhân giống, xây dựng mô hình trồng và sản xuất thử nghiệm trà hòa tan từ xạ đen; Nghiên cứu chế biến sản phẩm sirô khóm và thanh long ruột đỏ; Nghiên cứu qui trình sản xuất trà xanh gạo lứt…

Trong phần tham luận, nhiều đại biểu cũng đưa ra các ý kiến chỉ ra những điểm yếu và các vấn đề còn tồn đọng trong nền kinh tế Tây Nguyên, như do xuất phát điểm đi lên của các tỉnh Tây Nguyên còn thấp; Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội chưa đồng bộ; Trình độ sản xuất còn lạc hậu; tốc độ phát triển kinh tế nhìn chung thiếu ổn định và bền vững; Điều kiện địa kinh tế- địa chính trị cách xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước đã tác động bất lợi đến khả năng thu hút đầu tư phát triển; Các ngành công nghiệp có lợi thế như chế biến nông- lâm sản, khai khoáng, thủy điện… còn gặp nhiều khó khăn; Thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả thấp. Do đó, đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế- xã hội của khu vực nói chung và địa bàn Kon Tumnói riêng.

Về lĩnh vực NCKH cũng còn nhiều hạn chế như chưa có nhiều công nghệ mới, công nghệ tiên tiến được chuyển giao ứng dụng rộng rãi vào sản xuất; Mức độ ứng dụng, quy mô chuyển giao còn nhỏ lẻ, khả năng nhân rộng chưa nhiều; Việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế; Việc phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức trong việc đề xuất, đặt hàng, triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu KHCN; Tổ chức ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu còn nhiều bất cập.

Nhiều ý kiến tham luận được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo

Cũng từ những thực trạng này rất nhiều các đề xuất đã được các đại biểu trình bày nhằm việc thúc đẩy hơn nữa sự phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong những năm tới như: Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò của KHCN, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao đối với phát triển KT-XH; Đẩy mạnh công tác phổ biến các kiến thức KHCN, các kết quả nghiên cứu, giới thiệu các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh hiệu quả, các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trên thế giới và trong nước; Cung cấp các thông tin liên quan nhằm kết nối cung- cầu cho các tổ chức và cá nhân; Triển khai các biện pháp nhằm huy động nguồn vốn xã hội ngoài ngân sách Nhà nước để đầu tư cho hoạt động chuyển giao, ứng dụng kết quả sau nghiên cứu.

Quan tâm đầu tư phát triển và mở rộng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, điện, thủy lợi, thông tin liên lạc để thu hút đầu tư; Nghiên cứu xây dựng “thương hiệu” cho các sản phẩm thông qua ứng dụng, chuyển giao kết quả sau nghiên cứu; Xây dựng website giới thiệu về những sản phẩm gắn với các vùng sản xuất an toàn; Hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm thị trường cho các nông dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; Tạo dựng môi trường pháp lý cho hoạt động mua bán, tư vấn, đánh giá, định giá và môi giới; Nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý và người lao động; Cải cách cơ chế và chính sách, thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch; Tập trung phát triển một số vùng chuyên canh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến- bảo quản nông sản-dược liệu, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm có xuất sứ nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng cao.

Các nhà khoa học và các lãnh đạo đã đánh giá rất cao quy mô tổ chức cũng như chất lượng của các bài báo cáo trong hội thảo lần thứ 2 này.

Tham dự hội thảo, các nhà khoa học và các lãnh đạo đến từ các sở ban ngành đã đánh giá rất cao quy mô tổ chức cũng như chất lượng của các bài báo cáo. Hơn 100 bài nghiên cứu, báo hay, thực tế, chất lượng và có tính ứng dụng cao đã được BTC chọn đăng ở kỷ yếu và phát cho các đại biểu tham dự chương trình. Đây chính là tài liệu quan trọng giúp các cấp quản lý, chính quyền tham khảo các chính sách, đề xuất, định hướng phát triển vùng Tây Nguyên mà BTC hội thảo, đặc biệt là đơn vị chủ trì chính UD-CK đã tạo lập từ lần hội thảo thứ nhất.

Sự thành công của hội thảo lần thứ 2 này một lần nữa khẳng định tầm nhìn chiến lược của UD-CK trong việc kết nối của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên cả nước tập trung cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Theo dự kiến của BTC, hội thảo lần thứ 3 sẽ tiếp tụ được tổ chức vào năm 4/2019 cùng với sự quy tụ của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, những người làm công tác lãnh đạo, giáo dục tại các sở, ngành và nhiều trường ĐH trên cả nước.

Sự thành công của hội thảo lần thứ 2 sẽ tiếp tục là tiền đề để UD-CK kết nối thêm nhiều đơn vị để tổ chức hội thảo lần thứ 3, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 4/2019

Các chủ đề chính mà hội thảo lần thứ 3 dự kiến sẽ được đề cập đến như: Phát triển kinh tế; Phát triển xã hội; Liên kết giữa các tỉnh, địa phương ở Tây Nguyên; Phát triển và ứng dựng các thành tựu KHCN vào phát triển kinh tế nói chung và các ngành kinh tế đặc thù ở Tây Nguyên; Thu hút các nguồn lực, đầu tư; Kiện toàn và phát triển chuỗi giá trị, phát triển chiều sâu; Các mô hình phát triển kinh tế; Đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên; Chính sách và hệ thống chính sách cho phát triển KT-XH Tây Nguyên; Khởi nghiệp trong phát triển kinh tế ở Tây Nguyên.

top