• |
  • |
Xem bản đồ

Tham gia dự án Kết nối Mekong thông qua Giáo dục và Đào tạo giúp Đại học Đà Nẵng tăng cơ hội việc làm cho sinh viên

Nhằm đánh giá tiến độ và kết quả thực hiện dự án “Kết nối Mekong thông qua Giáo dục và Đào tạo của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID COMET)” từ tháng 5/2016 đến nay, ngày 25/8/2016 vừa qua, đại diện USAID COMET gồm: bà Dorothy Lutz - Quản lý quốc gia, bà Janice Kim - Chuyên gia dự án đã có buổi làm việc với đại diện Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN).

Toàn cảnh buổi làm việc

Tiếp và làm việc với đoàn có TS. Huỳnh Công Pháp - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin; ThS. Hồ Lộng Ngọc - Phó Trưởng ban Hợp tác quốc tế, ĐHĐN; TS. Huỳnh Hữu Hưng - Phó Trường khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Bách khoa và TS. Trần Thế Vũ - Trưởng Phòng Đào tạo Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh (VN-UK).

Đại diện đoàn Đại học Đà Nẵng

Là ĐH vùng đào tạo đa ngành, đa cấp, có đội ngũ giảng dạy công nghệ thông tin trình độ cao, cùng kinh nghiệm lâu năm về hợp tác quốc tế, năm 2016, ĐHĐN đã được chọn là 1 trong 5 ĐH tại Việt Nam tham gia dự án “Kết nối Mekong thông qua Giáo dục và Đào tạo”.
 

Tại buổi làm việc, đại diện ĐHĐN khẳng định: Kể từ năm học 2016-2017, chương trình giảng dạy một số môn học của Khoa Công nghệ Thông tin - Trường ĐH Bách khoa, ĐHĐN được điều chỉnh tích hợp theo yêu cầu của dự án, góp phần tăng cường các kỹ năng cần thiết cho giảng viên và sinh viên.
 

Nhìn nhận về vai trò của dự án, các đại diện của ĐHĐN có mặt tại buổi làm việc đều có chung ý kiến, đó là USAID COMET tạo nhiều cơ hội hỗ trợ phát triển chất lượng giảng dạy, tăng cường các kỹ năng cần thiết cho sinh viên sau khi tốt nghiệp và thắt chặt mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp tại ĐHĐN. Theo kế hoạch, các chương trình và phương pháp học tập kiểu mới từ dự án sẽ được nhân rộng đến nhiều ngành, nhiều khoa và nhiều cơ sở giáo dục đại học thành viên của ĐHĐN. Điều này cũng sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh học hiệu đối với một ĐH vùng đa ngành, đa cấp như ĐHĐN.
 

Tại phiên làm việc hôm 25/8, đoàn chuyên gia của USAID COMET đã xúc tiến việc đánh giá tiến độ và kết quả dự án, lấy ý kiến phản hồi từ các thành viên tham gia dự án.
 

Các nội dung chính được xem xét bao gồm nhiều khía cạnh liên quan, từ công tác tổ chức triển khai của ĐHĐN, khảo sát quan hệ của ĐHĐN với các doanh nghiệp và đánh giá thị trường lao động tại TP. Đà Nẵng.
 

Bà Janice Kim - Chuyên gia dự án

Đại diện của USAID COMET cũng trao đổi về mức độ tích cực ứng dụng công nghệ thông tin của giảng viên ĐHĐN trong trao đổi tài liệu và đánh giá kết quả học tập, cũng như tăng cường kết nối giữa giảng viên với sinh viên thông qua một số công cụ phổ biến như Facebook, Google drive, Dropbox,....
 

Đại diện USAID COMET chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn Đại học Đà Nẵng

Dự án “Kết nối Mekong thông qua Giáo dục và Đào tạo của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ” là một phần trong Chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á (YSEALI) của Tổng thống Mỹ - Barack Obama.
 

Dự án Kết nối Mekong thông qua Giáo dục và Đào tạo được thực hiện để phát triển lực lượng lao động ở 5 nước thuộc khu vực hạ lưu sông Mekong, bao gồm: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
 

Mục đích của chương trình nhằm cải thiện việc làm của thanh niên bằng cách tăng cường kỹ năng cho sinh viên, điều chỉnh nội dung giảng dạy đến gần hơn với nhu cầu doanh nghiệp, thúc đẩy cân bằng giới tính trong các khu vực phát triển trọng điểm và tăng cường sử dụng công nghệ trong công tác dạy-học tại các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật nghề bằng những phương pháp đào tạo tiên tiến.
 

Theo kết quả khảo sát thị trường lao động ở các nước thuộc khu vực hạ lưu sông Mekong của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, nhiều công ty đã cho rằng các nhân viên mới chưa thực sự sẵn sàng để thực hiện công việc được giao và cần phải được đào tạo một số kiến thức bổ sung.
 

Để giảm bớt gánh nặng trong sử dụng lao động chưa hoàn thiện hết về năng lực chuyên môn, USAID COMET đã giới thiệu các công cụ giảng dạy giúp người học chuẩn bị tốt hơn cho các mục tiêu và nhiệm vụ bên ngoài lớp học.
 

Bên cạnh đó, USAID COMET cũng giúp kết nối các tổ chức giáo dục với các lãnh đạo doanh nghiệp để hoạt động học của sinh viên tập trung nhiều hơn vào thực hành với các dự án, đề tài nghiên cứu thực tế thông qua chương trình thực tập và làm việc tại doanh nghiệp, đồng thời tạo cơ hội quảng bá chương trình đào tạo các kỹ năng có liên quan cho người tìm việc.
 

Thông qua những cách này, dự án sẽ sử dụng nền tảng học trực tuyến để tăng số lượng nguồn nhân lực có tay nghề cao trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học, kế toán và du lịch (STEM+AT) trong khu vực tiểu vùng hạ lưu sông Mekong.
 

Văn phòng Đại học Đà Nẵng

Nguồn tin: Ban Hợp tác quốc tế

top