• |
  • |
Xem bản đồ

UD-CK tổ chức thành công Hội thảo khoa học Quốc gia phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Tây Nguyên, lần thứ 3 - Năm 2019

Ngày 07/06, tại Cơ sở ĐHĐN tại Kon Tum, Hội thảo khoa học quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên – Lần thứ 3, Năm 2019 với chủ đề “Chuyển đổi mô hình và tái cấu trúc nền kinh tế” do UD-CK kết hợp với ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên, ĐH Kinh tế Huế, ĐH Quy Nhơn và ĐH Tây Nguyên tổ chức đã diễn ra rất thành công với nhiều bài báo cáo ấn tượng, xuất sắc.

 

 

 

Đến tham dự hội thảo, về phía lãnh đạo địa phương có TS Nguyễn Hữu Tháp, Phó chủ tịch UBND Tỉnh Kon Tum; Đồng chí Huỳnh Minh Chương, PGĐ Sở Công Thương; Đồng chí Nguyễn Tấn Liên, PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông; Đồng chí Nguyễn Đình Bắc, Sở Kế hoạch Đầu tư; Đồng chí Nguyễn Thanh Mân, PCT UBND TP. Kon Tum; Đồng chí Phạm Công Thành, PGĐ Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Gia Lai. Về phía các đơn vị phối hợp tổ chức hội thảo, có sự tham gia của TS. Lê Bảo – Phó trưởng Khoa Kinh tế - ĐH Kinh tế Đà Nẵng; TS. Nguyễn Duy Thụy – Viện trưởng Viện KHXH vùng Tây Nguyên; PGS.TS Trương Tấn Quân – Hiệu Phó ĐH Kinh tế Huế; PGS. TS. Trần Thị Cẩm Thanh - Trưởng Khoa Kinh tế và Kế toán - ĐH Quy Nhơn; PGS.TS Lê Đức Niêm - Trưởng Khoa Kinh tế - ĐH Tây Nguyên. Về phía Cơ sở ĐHĐN tại Kon Tum có PGS. TS Đặng Văn Mỹ, Giám đốc; Ths Nguyễn Tố Như, Phó giám đốc cùng toàn thể CBVC và giảng viên của nhà trường.

 


Bên cạnh đó, hội thảo còn đón tiếp hơn 100 đại biểu, khách mời là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các trường ĐH lớn trên cả nước về tham dự và báo cáo tại hội thảo và đại diện các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh Kon Tum và các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra một số doanh nghiệp cũng tham gia trưng bày gian hàng nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng đến với khách mời và đại biểu tham như café Dakmark, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Gia Lai, Trang trại trồng sâm dây Hà Văn Đại; Cơ sở sản xuất Tinh bột nghệ Hương Nguyễn…

 


Phát biểu khai mạc, PGS. TS Đặng Văn Mỹ, Giám đốc Cơ sở ĐHĐN tại Kon Tum, Trưởng ban tổ chức hội thảo đã chia sẻ rằng, bắt đầu từ năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Trường, lãnh đạo nhà trường đã quyết định tổ chức một diễn đàn để trao đổi các vấn đề liên quan đến các phát triển Kinh tế -xã hội vùng Tây Nguyên. Qua 2 lần tổ chức (năm 2017 và năm 2019) hội thảo đã trở thành nơi quy tụ các nhà khoa học địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu về Tây Nguyên, vì một Tây Nguyên phát triển. Tại hội thảo lần thứ 3, BTC đã nhận được 264 bài viết tham luận và đã tuyển chọn 165 bài đạt yêu cầu để đăng ở tập kỷ yếu. Trong đó, BTC cũng đã chọn ra 24 bài sẽ tham gia báo cáo và phản biện tại hội thảo. BTC cũng hy vọng rằng qua các bài báo cáo sẽ giúp cung cấp bức tranh tổng thể về tình hình KT-XH vùng Tây Nguyên, từ đó cung cấp những giải pháp gắn kết với địa phương nhằm mang lại hiệu quả tích cực cho việc chuyển đổi mô hình kinh tế cũng như phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên.

 


Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Hữu Tháp, PCT UBND Tỉnh Kon Tum cũng ghi nhận và đánh giá cao trách nhiệm, sự nhiệt tình và nỗ lực không ngừng của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở các trường ĐH nói chung và sự đóng góp của Cơ sở ĐHĐN tại Kon Tum nói riêng. Đồng thời, TS Nguyễn Hữu Tháp cũng mong muốn, thông qua hội thảo lần này các nhà khoa học, các lãnh đạo địa phương, đại diện doanh nghiệp sẽ tiếp tục có những chia sẻ, trao đổi thẳng thắn về thực trạng phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên, phân tích, dự báo các nhân tố mới, nhận diện những thách thức trong thời gian tới, đề xuất các ý tưởng sáng tạo, các giá trị có ý nghĩa hiện thực cao và các giải pháp hữu hiệu giúp cho tỉnh Kon Tum nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung khai thác và sử dụng hiệu quả thế mạnh, tiềm năng của vùng để phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên nhanh và bền vững.

 


Để tạo không gian mở giúp việc chia sẻ, trao đổi diễn ra thoải mái, cởi mở hơn, phiên làm việc buổi sáng đã diễn ra ở ngoài trời thay vì trong hội trường như những lần tổ chức trước.
 

 

PGS. TS Đặng Văn Mỹ đại diện BTC chủ trì buổi trao đổi, chia sẻ để mọi người cùng lắng nghe và đánh giá các tiềm năng, thế mạnh cũng như những vấn đề còn hạn chế, tồn động trong phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên nhằm kiểm định lại những nghiên cứu đã được thực hiện trong quá khứ cũng như định hướng những nghiên cứu sẽ được thực hiện trong tương lai. 

 


Rất nhiều các vấn đề đã được các lãnh đạo địa phương, đại diện doanh nghiệp thẳng thắn chia sẻ như những hạn chế trong sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương (Ca cao, café, cao su…), chủ yếu là sản phẩm thô, chưa được áp dụng KHKT, ứng dụng công nghệ cao để  sản xuất các sản phẩm có giá trị cao, gia tăng giá trị sản xuất; Các vấn đề về quản lý đô thị, cải cách hành chính theo mô hình đô thị thông minh vẫn còn nhiều thiếu sót và bất cập; Vấn đề khởi nghiệp và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn chưa thực sự thu hút và quan tâm của cộng đồng; Vấn đề về nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực cho quá trình phát triển KT-XH …Bên cạnh việc chỉ ra các hạn chế, các đại biểu cũng đề xuất những giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế còn tồn đọng, chia sẻ sự kết nối giữa các sở ban ngành địa phương với cộng đồng, người lao động để nâng cao ý thức cũng như cùng nhau thúc đầy phát triển KT-XH địa phương nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.

 


Để làm rõ các vấn đề về thế mạnh cũng như tiềm năng góp phần thúc đẩy KT-XH vùng Tây Nguyên, tại phiên làm việc buổi chiều, BTC hội thảo đã chia 24 bài báo cáo thành 3 tiểu ban với các chủ đề khác nhau để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng nhau tham luận và chia sẻ. 

 


Tiểu ban 1 tham luận chủ đề  “Vấn đề mô hình kinh tế và chính sách phát triển kinh tế cho vùng Tây Nguyên” với các bài báo cáo đến từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Trường ĐH Kinh tế quốc dân; ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM; ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật, ĐH Ngoại Ngữ - ĐH Đà Nẵng; ĐH Phú Yên; Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên; ĐH Quy Nhơn. Gồm các bài tham luận: Nút thắt thể chế trong phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên; Mô hình cụm ngành vùng Tây Nguyên; Blockchain -Công nghệ quyết định của nền kinh tế chia sẻ; Phát triển kinh tế xanh khu vực Tây Nguyên hướng đến phát triển bền vững; Phát huy các nguồn lực để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở Tây Nguyên; Vai trò kết cấu hạ tầng giao thông các tỉnh Tây Nguyên trong liên kết kinh tế với các tỉnh nam trung bộ; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo điều kiện đặc thù tại tỉnh Đắk Nông; Liên kết vùng: Cơ hội, tiềm năng trong phát triển kinh tế Tây Nguyên.

 


Tiểu ban 2 tham luận chủ đề “Vấn đề văn hóa – du lịch và nhân lực cho vùng Tây Nguyên” do các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ ĐH Kinh tế Quốc dân; ĐH Mở Tp. Hồ Chí Minh; Viện Chiến lược phát triển; Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM; Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên; Công ty Vietravel; Viện Nghiên Cứu Phát Triển KT-XT Đà Nẵng trình bày. Gồm các bài báo cáo: Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá - yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên; Buôn làng, luật tục và vấn đề quản lý cộng đồng của các tộc người tây nguyên hiện nay; Thực trạng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn cho vùng Tây Nguyên trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; Phát triển nguồn nhân lực đảm bảo theo yêu cầu tái cấu trúc kinh tế vùng Tây Nguyên, thực trạng và giải pháp; Vai trò của nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên; - Liên kết không gian du lịch phía nam tây nguyên: Đăk Nông – Lâm Đồng: từ góc nhìn tiếp thị đến lợi thế cạnh tranh? Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng gắn với bảo tồn văn hoá và tài nguyên thiên nhiên hướng đến phát triển bền vững khu vực Tây Nguyên.

 


Tiểu ban 3 tham luận chủ đề “Vấn đề nông nghiệp – khởi nghiệp cho Tây Nguyên” với các bài viết: Kinh nghiệm các nước trên thế giới và các giải pháp nhằm phát triển sâm ngọc linh ở Việt Nam; Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Lắk; Vai trò của trường ĐH Đà Nẵng trong việc xuất khẩu Sâm Ngọc Linh-Việt Nam ra thế giới; Thanh Niên Tây Nguyên khởi nghiệp trong thời đại cạch mạng công nghiệp 4.0; Hỗ trợ phụ nữ Tây Nguyên khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025; Các nhân tố tác động đến ý định khởi nghiệp tại Tây Nguyên; Khởi nghiệp kinh doanh của các doanh nghiệp dân tộc thiểu số ở tỉnh Thái Nguyên - Kinh nghiệm tham khảo cho Tây Nguyên. Các bài báo cáo do các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ ĐH kinh tế - ĐH Đà Nẵng; ĐH Tây Nguyên; Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu; Đại học An Giang; Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên; Đại học Quy Nhơn; Đại học Thái Nguyên thực hiện.
Tại mỗi tiểu ban, đại diện các đơn vị đồng tổ chức được bầu làm đoàn chủ tịch để lắng nghe và điều hành buổi tham luận, trao đổi về các chủ đề mà các bài báo cáo đã đặt ra và hướng đến.

 


Tại buổi tổng kết, BTC đã quyết định trao giấy chứng nhận cho 03 nhà khoa học, nhà nghiên cứu có bài báo cáo xuất sắc được hội đồng ghi nhận và đánh giá cao, bao gồm: Bài viết “Liên kết không gian du lịch phía Nam Tây Nguyên: Đăk Nông – Lâm Đồng: từ góc nhìn tiếp thị đến lợi thế cạnh tranh của ThS. Lê Hữu Nghĩa (Công ty Vietravel);  Bài viết “Mô hình cụm ngành vùng Tây Nguyên của TS. Nguyễn Thị Phương Thu (ĐH Kinh tế quốc dân); Bài viết Hỗ trợ phụ nữ Tây Nguyên khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 của ThS. Nông Thị Phương Thu (Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên). Bên cạnh đó, BTC cũng trao giấy chứng nhận cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có bài báo cáo tham luận tại hội thảo nhằm ghi nhận những đóng góp của các cá nhân, tổ chức đã góp phần tạo nên sự thành công cho hội thảo lần này.

 


Kết thúc chương trình hội thảo lần thứ 3 thành công tốt đẹp, PGS. TS Đặng Văn Mỹ, Trưởng ban tổ chức cũng đã đề xuất một số vấn đề hướng đến cho lần tổ chức thứ 4 vào năm 2020 và kêu gọi đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tiếp tục tham gia:Việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên; Các cơ chế, chính sách gắn với phát triển KT-XH từng thời kỳ; Các mô hình kinh tế đã và đang triển khai tại khu vực Tây Nguyên;Vấn đề về khởi nghiệp, huy động các nguồn lực, tranh thủ các tài trợ cho việc phát triển môi trường khởi nghiệp; Nghiên cứu về chuyển giao các mô hình sản xuất và chế biến nông lâm sản theo hướng hàng hóa có giá trị gia tăng cao…

top