• |
  • |
Xem bản đồ

Nhiều giải pháp và mô hình đào tạo mới cho phát triển nguồn nhân lực Tây Nguyên được đề xuất tại Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên: Thực trạng và giải pháp”

Nguồn nhân lực là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển của mọi tổ chức và tạo nên lợi thế cạnh tranh cho mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương và mỗi quốc gia. Nhằm tìm ra con đường tối ưu cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, thiết lập các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực, tạo cơ sở cho việc đề xuất mô hình giáo dục đặc thù cho khu vực Tây Nguyên, từ đó thúc đẩy quá trình phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của khu vực Tây Nguyên, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của Tây Nguyên, sáng ngày 14/11/2015, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Đại học Valenciennes, Cộng hòa Pháp tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên: Thực trạng và giải pháp”.

Quang cảnh toàn Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Ban Chỉ đạo Tây Nguyên có PGS.TS. Trần Quốc Cường, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; ông Trịnh Dũng, Vụ Trưởng vụ Văn hóa – Xã hội. Về phía lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên có ông Nguyễn Đức Tuy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; ông Lê Như Nhất, Giám đốc sở Công thương tỉnh Kon Tum; PGS.TS. Lê Xuân Thám, Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng; ông Phan Hồng, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đăk Lăk; ông Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum. Về phía Đại học Đà Nẵng có PGS.TS. Ngô Văn Dưỡng, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng; PGS.TS. Võ Trung Hùng, Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; TS. Đoàn Gia Dũng, Trưởng ban Tổ chức – Cán bộ; PGS.TS. Đào Hữu Hòa, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế; TS. Bùi Minh Hiển, Đại diện phòng Khoa học, Sau đại học và Hợp tác quốc tế trường Đại học Bách khoa. Về phía Đại học Quy Nhơn có PGS.TS. Đỗ Ngọc Mỹ, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Quy Nhơn. Về phía các trường đối tác quốc tế của Phân hiệu có ông Eric Cartignies, Hiệu trưởng trường Đại học Valenciennes; bà Lê Thị Mười, Phụ trách Quan hệ quốc tế trường Đại học Valenciennes, Cộng hòa Pháp; Trợ lý giáo sư, TS. Wen I Chang, Khoa Kinh doanh nông nghiệp, trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật Bình Đông, Đài Loan; TS. Chih-Hung Li, Trưởng ban Hợp tác quốc tế, trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật Minh Tân, Đài Loan; Trợ lý giáo sư, TS. Surin Luangna, Nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp, Đại học Ubon Ratchathani Rajabhat; TS. Sriwongwanna Jaturong, Trưởng phòng Sau đại học chuyên ngành Quản trị nguồn nhân lực, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Du lịch và Khách sạn, Đại học Ubon Ratchathani Rajabhat, Thái Lan. Về phía Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum có PGS.TS. Đặng Văn Mỹ, Giám đốc Phân hiệu, cùng toàn thể cán bộ, giảng viên Phân hiệu tham dự.

Hội thảo còn có sự góp mặt của đại diện các cơ quan, ban, ngành, các trường học, các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, giảng viên, học viên cao học đến từ các tỉnh thành, các trường đại học ở miền Trung, Tây Nguyên. Tham dự, đưa tin Hội thảo còn có sự hiện diện của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh.

PGS.TS. Đặng Văn Mỹ, Giám đốc Phân hiệu, phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Đặng Văn Mỹ, Giám đốc Phân hiệu, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đối với sự phát triển bền vững của Tây Nguyên trong xu thế hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực không chỉ là nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục mà còn là sự phối hợp và mối quan tâm hàng đầu của của các cấp chính quyền, các nhà tuyển dụng. PGS.TS. Đặng Văn Mỹ khẳng định, Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng, là diễn đàn cho phép các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các cơ sở giáo dục và cộng đồng doanh nghiệp thảo luận, phản ánh, trình bày bức tranh tổng quát về công tác đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên trong thời gian qua, đề xuất các giải pháp, chính sách và mô hình định hướng phát triển đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên trong thời gian đến. PGS.TS. Đặng Văn Mỹ cũng gửi lời cám ơn sâu sắc đến các tổ chức đã phối hợp đồng chủ trì Hội thảo và các nhà khoa học, các cơ quan, doanh nghiệp đã tích cực tham gia viết bài và tham dự Hội thảo.

PGS.TS. Trần Quốc Cường, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

PGS.TS. Trần Quốc Cường, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tặng hoa chúc mừng tập thể cán bộ, giảng viên Phân hiệu nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

PGS.TS. Ngô Văn Dưỡng, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo cũng được nghe ý kiến chỉ đạo của PGS.TS. Trần Quốc Cường, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và PGS.TS. Ngô Văn Dưỡng, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng. Các đồng chí mong muốn, tại Hội thảo này, các đại biểu tập trung chia sẻ, trao đổi thông tin; đánh giá, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đưa ra những giải pháp phù hợp cho công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở Tây Nguyên trong thời gian tới

PGS.TS. Đào Hữu Hoà, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo

PGS.TS. Lê Xuân Thám, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo

Hội thảo có trên 30 bài viết, tập trung thảo luận về các mô hình đào tạo đã và đang áp dụng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, đánh giá các ưu, nhược điểm của quá trình đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực và đề xuất các mô hình đào tạo mới đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cho Tây Nguyên

 

 

Ông Eric Cartignies, Hiệu trưởng trường Đại học Valenciennes, Cộng hòa Pháp, báo cáo tại Hội thảo

 

ThS. Nguyễn Lê Bảo Ngọc, giảng viên khoa Kinh tế Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum, trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo

Các tham luận trình bày chính thức tại Hội thảo bao gồm: tham luận của PGS.TS. Đào Hữu Hoà, trường Đại học Kinh tế Đại học Đà Nẵng, với chủ đề: “Vấn đề cân đối cung – cầu trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ Cao đẳng, Đại học trên địa bàn khu vực Tây Nguyên”; tham luận của PGS.TS. Lê Xuân Thám, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, với chủ đề “Hiện trạng và định hướng phát triển khoa học công nghệ tại Lâm Đồng - Những thách thức trong đào tạo nguồn nhân lực”; tham luận của nhóm giảng viên Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum, với chủ đề: “Đào tạo nguồn nhân lực cho sinh viên người dân tộc thiểu số Tây Nguyên: Thực  trạng và giải pháp” do ThS. Nguyễn Lê Bảo Ngọc, giảng viên khoa Kinh tế trình bày. Các tham luận cung cấp thực trạng về đào tạo nguồn nhân lực và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tại khu vực Tây Nguyên.

 

Trợ lý giáo sư, TS. Wen I Chang, Khoa Kinh doanh nông nghiệp, trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật Bình Đông, Đài Loan, báo cáo tại Hội thảo

 

TS. Sriwongwanna Jaturong, Trưởng phòng Sau đại học chuyên ngành Quản trị nguồn nhân lực, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Du lịch và Khách sạn, Đại học Ubon Ratchathani Rajabhat, Thái Lan, báo cáo tại Hội thảo

 

TS. Chih-Hung Li, Trưởng ban Hợp tác quốc tế, trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật Minh Tân, Đài Loan, báo cáo tại Hội thảo

Đặc biệt, Hội thảo còn được nghe tham luận từ các trường đối tác quốc tế là Đại học Valenciennes, Cộng hòa Pháp; Đại học Khoa học và Kỹ thuật Bình Đông, Đài Loan; Đại học Khoa học và Kỹ thuật Minh Tân, Đài Loan và Đại học Ubon Rachathani Rajabhat, Thái Lan. Các tham luận đã chia sẻ về các mô hình đào tạo và hợp tác đào tạo giữa nhà trường, doanh nghiệp và nhà nước ở các quốc gia này để Việt Nam nghiên cứu áp dụng.

 

 

 

 

 

 

 

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo

Các báo cáo tham luận đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận nhằm làm rõ hơn những vấn đề, những nhận định của tác giả. Một số vấn đề được các đại biểu quan tâm và thảo luận như: chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng; công tác đào tạo và các chính sách hỗ trợ cho sinh viên người dân tộc thiểu số; kinh nghiệm đào tạo của các quốc gia Pháp, Đài Loan, Thái Lan…
 
Mặc dù hội thảo diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã giúp cho các đại biểu thấy được bức tranh chung nhiều màu sắc của vấn đề đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và mô hình đào tạo tiên tiến của một số quốc gia trên thế giới. Trên cơ sở phân tích các tồn tại, hạn chế và học tập kinh nghiệm từ các trường Đại học nước ngoài, Hội thảo đã đưa ra các nhóm giải pháp, các mô hình nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên, đóng góp vào sự phát triển chung của toàn xã hội.
 
Mô hình đào tạo đại học ở khu vực Tây Nguyên có những đặc trưng nhất định xuất phát từ thực trạng của tất cả các yếu tố vốn có trong vùng, từ những yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cho vùng và sự đảm bảo các yếu tố cần thiết về nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của vùng. Những vấn đề cần lưu ý trong đổi mới mô hình giáo dục đại học cho các cơ sở giáo dục ở Tây Nguyên chính yếu là:
 
+ Vai trò của chính quyền Nhà nước trung ương, vùng và địa phương các tỉnh của khu vực tây Nguyên là rất quan trọng, ở đây cần có những chính sách, luật lệ và những qui định riêng, mang tính đặc thù của khu vực. Yếu tố này thể hiện trên tất cả các phương diện vĩ mô cho phép các mô hình giáo dục đại học ở Tây nguyên có thể vận hành và đóng vai trò là nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho khu vực, bao gồm: sự đầu tư hoàn toàn của Nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học về tất cả các phương diện, sự ban hành và áp dụng các chính sách đặc thù cho hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học trong khu vực, nhà nước nên bao cấp hoàn toàn cho các cơ sở giáo dục đại học ở khu vực Tây Nguyên, sự tăng cường hỗ trợ của nhà nước cho người học là cộng đồng cư dân và học sinh có hộ khẩu thường trú ở Tây Nguyên, có chính sách khuyến khích học sinh chọn các cơ sở giáo dục ở Tây Nguyên để học tập.
 
+ Vai trò của học sinh, sinh viên trong khu vực Tây nguyên cần được xem xét và có chính sách cần thiết, không chỉ ưu tiên về kết quả học tập ở bậc phổ thông để vào các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng mà còn cần có những ưu đãi tuyệt đối cho sự tham gia vào các dịch vụ đào tạo, sinh hoạt và lưu trú trong suốt thời gian theo học tại các cơ sở giáo dục đại học ở Tây Nguyên.
 
+ Sự tham gia của cộng đồng cư dân, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế xã hội trên địa bàn rất quan trọng, cần có cơ chế, chính sách và sự thiết lập quan hệ hợp tác giữa các tổ chức với các cơ sở giáo dục đại học ở Tây Nguyên nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực tập, kiến tập, thử nghiệm và việc làm cho sinh viên khi ra trường.
 
+ Sự quan tâm chính thức của chính quyền các địa phương đến quá trình đào tạo nguồn nhân lực, sự phát triển của nguồn nhân lực, sự phát triển của các cơ sở giáo dục thể hiện ở việc dành Ngân sách cần thiết cho phát triển nguồn nhân lực, ở việc hình thành cơ quan chức năng của địa phương và liên địa phương để hoạch định và thực thi các chính sách giáo dục ở khu vực.
 
+ Sự linh hoạt và cơ chế tự chủ về hoạt động chuyên môn và đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học ở khu vực Tây Nguyên. Nhà nước cần giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục đại học từ việc xác định chương trình, loại hình đào tạo, phương thức đào tạo, tổ chức quá trình đào tạo, đặt lớp học ở các địa điểm sao cho thuận lợi với người học...
 
+ Yêu cầu và thực trạng của việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nói chung của khu vực Tây Nguyên, đó là: đào tạo nguồn nhân lực ban đầu dành cho học sinh khi tốt nghiệp THPT vào các cơ sở đào tạo nghề, đào tạo đại học; đào tạo lại, đào tạo bồi dưỡng những người đang làm việc trong thực tế; đào tạo lại theo nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp để thích ứng... Mỗi hình thức đào tạo có những đặc điểm vận động riêng, đòi hỏi phải có các chính sách đúng đắn nhằm thực hiện tốt mục tiêu của đổi mới giáo dục đại học.
 
Tây Nguyên đã được xác định cả về phương diện chính sách và thực tế là khu vực có nhiều tài nguyên nhưng rất khó khăn trong quá trình phát triển, tập hợp các tỉnh có nhiều nguồn lực tự nhiên đa dạng và phong phú cho sự phát triển. Cơ cấu kinh tế của Vùng tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Qua khảo sát, nghiên cứu thực tế và tổng hợp các nghiên cứu cụ thể về đặc điểm kinh tế xã hội của Vùng, cho phép xác định nhu cầu nguồn nhân lực và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực như sau:
 
Nhu cầu nguồn nhân lực cho Vùng kinh tế Tây Nguyên một mặt phản ánh nhu cầu cơ bản về nguồn nhân lực như các Vùng khác, mặt khác thể hiện những đặc thù của Vùng hoặc phục vụ cho các tổ chức kinh tế, hoặc phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước, có thể tổng hợp như sau:
 
+ Nhu cầu nguồn nhân lực ở mức bình thường, cơ bản đáp ứng nguồn lao động cho các ngành kinh tế, các tổ chức kinh tế hoạt động một cách bình thường trên địa bàn, chủ yếu là kinh tế gia đình và kinh tế trang trại.
 
+ Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho Công tác quản lý nhà nước của các địa phương trong Vùng, đáp ứng cho việc quản trị và điều hành các tập đoàn, các công ty, doanh nghiệp hiện hữu trong Vùng, cho phép khai thác tốt hơn các nguồn tài nguyên và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực Tây Nguyên trong sản xuất các hàng hóa nông sản.
 
+ Nhu cầu nguồn nhân lực “đặc trưng” đáp ứng quá trình khai thác các lợi thế, nguồn lực tự nhiên vốn có, có tính đặc thù của các địa phương trong Vùng.
 
Các dạng thức nhu cầu nguồn nhân lực nêu trên tùy mức độ mà sự đáp ứng sẽ do một hoặc nhiều cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn cung cấp. Vì thế, định vị “sản phẩm” sẽ cung cấp đối với từng cơ sở đào tạo có tầm quan trọng đặc biệt. Có thể nói rằng, nhu cầu nguồn nhân lực “đặc trưng” có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế của Vùng. Bởi lẻ, có sự tồn tại đa dạng các ngành nghề truyền thống, thủ công ở các địa phương trong Vùng. Tuy nhiên, mức độ khai thác, phát triển các ngành nghề còn nhiều hạn chế, mang tính tự phát, mang tính gia đình. Vì thế, chưa huy động và khai thác mạnh mẽ cũng như chưa hình thành các “tổ chức kinh tế” có tầm vóc và có vị thế trong quá trình phát triển kinh tế của các địa phương trong Vùng.
 
Với tư cách là cơ quan quản lý địa phương, điều quan trọng có tính quyết định là xác định nhu cầu nguồn nhân lực cần thiết cho quá trình phát triển. Các dạng thức nhu cầu có thể bao gồm:
 
+ Nhu cầu nhân lực đào tạo ban đầu phục vụ cho các tổ chức kinh tế, các cơ quan quản lý. Nhu cầu này thể hiện ở các chương trình tuyển dụng thường niên của các tổ chức. Dạng thức nhu cầu này phổ biến và rất đa dạng, vừa đào tạo nghề nghiệp cho nguồn nhân lực, vừa đào tạo các tri thức về quản lý và điều hành các tổ chức, đào tạo khoa học và công nghệ cho nguồn nhân lực. Đào tạo cho người đồng bào dân tộc.
 
+ Nhu cầu nhân lực đào tạo lại, đào tạo tăng cường, đào tạo bồi dưỡng …Nhu cầu này có tính đặc thù, xuất phát từ thực tế công việc ở các tổ chức cũng như định hướng phát triển các hoạt động kinh doanh và quản lý của các tổ chức.
 
+ Nhu cầu nhân lực đào tạo tiên tiến, chất lượng nhằm đảm nhận việc quản lý và điều hành các chức trách cao cấp trong các tổ chức. Nhu cầu này cũng rất đặc trưng, quyết định bởi các tổ chức về nhân lực cấp cao và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng nhu cầu công việc.
 
Như vậy, để có thể đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực một cách có chất lượng, đòi hỏi phải có sự phối tác không chỉ ở các cơ sở đào tạo trên địa bàn, mà còn thể hiện sự tăng cường trao đổi thông tin giữa nhà trường và cộng đồng doanh nghiệp.
 
Đào tạo nguồn nhân lực cho Vùng kinh tế Tây Nguyên là nhiệm vụ lớn đặt ra cho các Trường, các cơ sở đào tạo trong Vùng. Để có thể đáp ứng một phần nhu cầu đó, các cơ sở đào tạo cần phải:
 
+ Đổi mới cơ bản hoạt động đào tạo của nhà trường một cách cơ bản và toàn diện.
 
+ Đề xuất các chương trình đào tạo đa dạng và theo các cấp độ khác nhau.
 
+ Tăng cường phối hợp với các tổ chức trong Vùng, từ trao đổi thông tin đến hoạch định các chương trình đào tạo và chuyển giao các tri thức trong nghiên cứu và phát triển.
 
+ Sự tham gia của nhà nước địa phương các tỉnh trong Vùng có tầm quan trọng đặc biệt, một mặt thể hiện ở việc đầu tư ngân sách và sự phối hợp trong quá trình thực hiện.
 
Mục tiêu chính yếu của đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nguyên không chỉ đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của Tây nguyên mà còn đảm bảo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo nguồn lực qua đào tạo sẽ lưu lại ở Tây Nguyên, sinh sống và đóng góp vào sự phát triển của Tây Nguyên.
 
Những kết quả mà Hội thảo mang lại sẽ trở thành bài học kinh nghiệm quý giá, cơ sở khoa học quan trọng để các cơ quan Nhà nước, các trường đại học và các doanh nghiệp vận dụng trong quá trình hoạch định các chính sách, chiến lược, kế hoạch quản lý đào tạo, đào tạo và tham gia đào tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và trong cả nước. Hội thảo kết thúc trong không khí sôi nổi và thành công tốt đẹp.

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

  

 Tin & ảnh: Tổ QTM và Truyền thông

 

top