• |
  • |
Xem bản đồ

Hội thảo Khoa học quốc gia CSED: Nền tảng cho những tư duy đột phá về phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên

Bắt đầu khởi động từ tháng 9/2016, Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên” đã nhận được sự quan tâm và tham gia của rất nhiều các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên cả nước. Với 105 bài tham luận có giá trị cao nhất được lựa chọn từ hơn 1000 nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực, Ban Tổ chức Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum cùng đơn vị đồng tổ chức trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng và Đại học Tây Nguyên đã long trọng tổ chức Chương trình báo cáo hội Thảo chính thức vào ngày 17/02/2017, tại tòa nhà Indochine, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum.



Toàn cảnh hội thảo

Về phía tỉnh Kon Tum, có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lại Xuân Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục - đào tạo, nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; cán bộ, giảng viên Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và chủ trì tham dự bởi Hội đồng Khoa học là các Giáo sư đầu ngành thuộc các Viện và các trường đại học lớn trong cả nước.


PGS.TS. Đặng Văn Mỹ - Giám đốc Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lại Xuân Lâm mong muốn các nhà khoa học, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp thẳng thắn, tích cực thảo luận, trao đổi, đánh giá thực trạng quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, phân tích dự báo các nhân tố mới, nhận diện những cơ hội và thách thức thời gian tới, mạnh dạn và thẳng thắn đề xuất các ý tưởng sáng tạo, các giá trị mới có ý nghĩa hiện thực cao và các giải pháp hữu hiệu giúp tỉnh Kon Tum nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên nhanh và bền vững.


Ông Lại Xuân Lâm – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Kon Tum phát biểu tại hội thảo

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ – Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo

Tây Nguyên có nhiều tiềm năng về tự nhiên và con người để phát triển đa dạng các ngành kinh tế. Bên cạnh đó, tọa lạc ngay ngã ba Đông Dương, là khu vực duy nhất tiếp giáp với cả Lào và Campuchia, Tây Nguyên được xem là vùng đất có vị thế hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, so với nhiều khu vực và cả nước, Tây Nguyên vẫn còn chậm phát triển, các hoạt động kinh tế thưa thớt, rời rạc, chưa tận dụng được các lợi thế vốn có, tỷ lệ nghèo cao và đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, Hội thảo “Phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên” có ý nghĩa to lớn trong việc tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu kinh tế trong và ngoài nước, cùng phân tích , đánh giá và thảo luận thực trạng các nguồn lực của khu vực Tây Nguyên, từ đó đề ra các mô hình, chính sách để xóa đói giảm nghèo, phát triển toàn diện nền kinh tế khu vực. Hội thảo vinh dự nhận được sự hiện diện của nhiều trường Đại học, Học viện trên cả nước, Ban lãnh đạo các Sở ban ngành của tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Ban lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, các tổ chức hiệp hội, trung tâm nghiên cứu, báo cáo viên , đơn vị truyền thông đưa tin cùng toàn thể cán bộ, giảng viên Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum.

Các chủ đề thảo luận trong Hội thảo rất đa dạng, được chia thành 2 phiên chính:

+ Phiên thứ nhất tập hợp các báo cáo về các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Tây Nguyên. Với hai chủ đề chính là Phát triển kinh tế - Liên kết vùng và Phát triển kinh tế nông nghiệp – công nghiệp – du lịch, phiên một cung cấp nhiều mô hình, giải pháp tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, liên kết kinh tế vùng miền, phát triển các ngành tiềm năng như công nghiệp Bô xít – Aluminum – Nhôm, du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp công nghệ cao.

PGS.TS. Bùi Quang Bình – Trường Đại học Kinh tế, ĐH Đà Nẵng trình bày tham luận tại phiến thứ nhất

TS. Nguyễn Thị Hoài Nga – Trường ĐH Mỏ, Địa chất trình bày tham luận tại phiến thứ nhất

PGS.TS. Lê Văn Huy – Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng trình bày tham luận tại phiến thứ nhất

+ Phiên thứ hai tập hợp các báo cáo về các vấn đề liên quan đến phát triển nguồn nhân lực – việc làm trên địa bàn tỉnh Tây Nguyên. Các diễn giả phiên hai trình bày theo hai chủ đề : Thu nhập – việc làm – đói nghèo và phát triển nhân lực. Phiên hai đã có rất nhiều quan điểm, ý kiến đóng góp về các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động sinh kế của hộ nghèo, các giải pháp hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế bền vững, phát triển nhân lực, đặc biệt nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức người dân tộc thiểu số.

PGS.TS. Đào Hữu Hoà – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng trình bày tham luận tại phiên thứ hai
ThS. Ông Nguyên Chương –Trường Đại học Kinh tế, ĐH Đà Nẵng trình bày tham luận tại phiên thứ hai

Kết thúc mỗi phiên, diễn đàn Hội thảo nhận được nhiều sự quan tâm, thảo luận sôi nổi từ các thành phần tham gia.

Các nhà khoa học tham gia thảo luận

Hội thảo kết thúc thành công trong sự hào hứng, niềm tin và động lực mạnh mẽ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu kinh tế, nhà lãnh đạo tham gia, để có những hành động thiết thực, bắt tay ngay vào thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội của Tây Nguyên. Bên cạnh đó Hội thảo cũng cung cấp thêm một kênh thông tin tham khảo có giá trị cho các cấp chính quyền trung ương và địa phương, các nhà hoạch định chính sách và những đối tượng có quan tâm.

Hội thảo Khoa học "Phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên" khép lại lần đầu tổ chức. Hẹn gặp lại các nhà khoa học trong lần tổ chức thứ 2, dự kiến diễn ra vào tháng 2 năm 2018, quy tụ nhiều lĩnh vực nghiên cứu hơn nữa, vừa mang tính kinh tế, kỹ thuật và công nghệ nhằm cung cấp các thông tin và kết quả nghiên cứu với mong muốn đóng góp cho Tây Nguyên ngày càng phát triển. Hi vọng ở lần thứ 2, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum nói riêng và các cơ sở đào tạo Đại học nói chung, với tư cách là những đầu tàu trong lĩnh vực nghiên cứu, sẽ triển khai Hội thảo tốt hơn để góp phần hữu ích hơn nữa trong công cuộc kiến thiết và xây dựng Tây Nguyên vững mạnh, giàu đẹp.


Các nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm

Tổ Truyền Thông UDCK

top